Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Tham khảo- Hồ sơ Công đoàn cơ sở

LUẬT CÔNG ĐOÀN


HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
________________________
SỐ 40 LCT/HĐNN8    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________________________________
LỆNH
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Điều 34 của Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước:

NAY CÔNG BỐ:
Luật công đoàn đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990
    Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 1990
    T/M HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
    NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Chủ tịch
    Đã ký: VÕ CHÍ CÔNG







CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________________________________
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 7
(từ ngày 14-6 đến ngày 30-6-1990)
LUẬT CÔNG ĐOÀN(*)

Để phát huy vai trò của công đoàn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích của người lao động;
Căn cứ vào các Điều 10, 32, 83, 86 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Luật này quy định chức năng, quyền và trách nhiệm của công đoàn.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
1– Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động.
2– Những người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức) đều có quyền thành lập và gia nhập công đoàn trong khuôn khổ Điều lệ công đoàn Việt Nam.
Các hội của những người lao động thành lập theo quy định của pháp luật có quyền gia nhập các Liên đoàn lao động.
Khi thành lập, mỗi tổ chức công đoàn thông báo cho cơ quan chính quyền, tổ chức hữu quan để xây dựng quan hệ công tác.
Cấm mọi hành vi cản trở, vi phạm nguyên tắc tự nguyện tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với lý do người lao động gia nhập, hoạt động công đoàn.
3– Công đoàn từ cấp cơ sở trở lên có tư cách pháp nhân.
4– Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các công đoàn ngành Việt Nam có quyền gia nhập các tổ chức công đoàn quốc tế phù hợp với mục đích hoạt động của mình.
Điều 2
1– Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
2– Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý Nhà nước; trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
3– Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều 3
1– Trong mọi hoạt động, công đoàn phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật.
Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức tôn trọng quyền độc lập về tổ chức và các quyền khác của công đoàn quy định tại Luật này.
2– Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức và công đoàn phải tăng cường mối quan hệ hợp tác trong mọi hoạt động nhằm mục đích xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức, xây dựng đất nước và chăm lo lợi ích của người lao động; khi có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì phải tiến hành đối thoại, hiệp thương, tìm cách giải quyết theo đúng pháp luật. Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết để công đoàn hoạt động.
3– Với sự thoả thuận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể về mối quan hệ hoạt động giữa cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức với các cấp công đoàn.
CHƯƠNG II
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 4
1– Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có quyền tham dự hội nghị của Hội đồng bộ trưởng. Chủ tịch công đoàn các cấp được dự hội nghị của cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức hữu quan khi bàn những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
2– Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
3– Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật.
4– Công đoàn cùng với cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế quốc doanh, đơn vị sự nghiệp và hợp tác xã tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi tiềm năng của người lao động thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội.
Điều 5
1– Trong phạm vi các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
2– Công đoàn tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
3– Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động.
Điều 6
1– Công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp.
2– Công đoàn có trách nhiệm giáo dục, vận động người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường.
3– Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động. Khi phát hiện nơi làm việc có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng người lao động, công đoàn có quyền yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động, nếu thấy cần thiết.
4– Việc điều tra các vụ tai nạn lao động phải có đại diện của công đoàn tham gia. Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước hoặc Toà án xử lý người chịu trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Điều 7
Công đoàn tham gia với cơ quan, đơn vị tổ chức hữu quan giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho người lao động.
Điều 8
1– Công đoàn tham gia xây dựng các chính sách xã hội và tham gia với cơ quan Nhà nước quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
2– Công đoàn có trách nhiệm cùng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan chăm lo đời sống văn hóa, hoạt động thể dục thể thao, tổ chức nghỉ ngơi, du lịch cho người lao động.
3– Công đoàn cơ sở phối hợp với cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng quỹ phúc lợi tập thể, phục vụ lợi ích của người lao động.
Điều 9
1– Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
2– Khi kiểm tra, công đoàn yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức trả lời những vấn đề đặt ra, kiến nghị biện pháp sửa chữa các thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm pháp luật.
3– Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải trả lời cho công đoàn biết kết quả giải quyết những kiến nghị do công đoàn nêu ra trong thời hạn pháp luật quy định. Những vấn đề không giải quyết được phải nói rõ lý do.
Điều 10
Công đoàn đại diện cho người lao động yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp và trả lời các vấn đề do người lao động đặt ra.
Khi cần thiết, công đoàn tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
Điều 11
1– Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động ký thoả ước lao động tập thể với giám đốc xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động.
2– Công đoàn tham gia với cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động theo pháp luật.
3– Công đoàn đại diện cho người lao động thương lượng với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức để giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình.
Khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc Toà án xét xử tranh chấp lao động phải có đại diện của công đoàn tham dự và phát biểu ý kiến.
4– Người lao động, dù chưa là đoàn viên công đoàn cũng có quyền yêu cầu Ban chấp hành công đoàn đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan.
Điều 12
1– Cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị, tổ chức cần phải thảo luận với công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
2– Trước khi quyết định các vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đến mức buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì giám đốc xí nghiệp quốc doanh, thủ trưởng cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải thảo luận, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn.
Trong trường hợp không nhất trí về những vấn đề quy định tại khoản này thì hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải trả lời.
Hội đồng bộ trưởng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết các trường hợp không nhất trí giữa công đoàn với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Các vấn đề thuộc phạm vi tranh chấp lao động thì giải quyết theo pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.
3– Những vấn đề thuộc phạm vi thảo luận và nhất trí giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội đồng bộ trưởng thì giải quyết theo Quy chế phối hợp hoạt động giữa hai bên.
Điều 13
Căn cứ vào những quy định tại Luật này, Hội đồng bộ trưởng cùng với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể quyền và trách nhiệm công đoàn cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ quan, đơn vị, tổ chức và xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã.
CHƯƠNG III
NHỮNG BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN
Điều 14
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tạo điều kiện làm việc, cung cấp thông tin cần thiết để công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của mình.
Với sự thoả thuận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể các vấn đề này.
Điều 15
1– Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làm tròn nhiệm vụ khi họ được bầu vào Ban chấp hành công đoàn hoặc được công đoàn giao nhiệm vụ.
2– Cán bộ công đoàn không chuyên trách được dành một số thời gian nhất định trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn. Hội đồng bộ trưởng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể thời gian và điều kiện hoạt động của cán bộ công đoàn không chuyên trách.
3– Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định số lượng cán bộ hoạt động chuyên trách công đoàn.
Tiền lương của cán bộ chuyên trách do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định theo chính sách chung và do quỹ công đoàn đài thọ.
4– Khi quyết định buộc thôi việc, cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và thuyên chuyển công tác đối với ủy viên Ban chấp hành công đoàn thì phải được Ban chấp hành công đoàn cùng cấp thoả thuận; đối với Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp thoả thuận.
Điều 16
1– Công đoàn thực hiện tự quản về tài chính theo pháp luật và những quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
2– Các nguồn thu vào quỹ công đoàn gồm có:
a) Tiền do đoàn viên công đoàn đóng góp; thu được từ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, kinh doanh của công đoàn; do các tổ chức quốc tế, các công đoàn nước ngoài ủng hộ;
b) Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp; tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.
Điều 17
Tài sản của công đoàn là tài sản xã hội chủ nghĩa, được pháp luật bảo vệ và khuyến khích phát triển, phải quản lý và sử dụng đúng pháp luật.
Các bất động sản, động sản, các quỹ công đoàn, các phương tiện hoạt động và các tài sản khác do công đoàn tạo nên, do nước ngoài viện trợ cho công đoàn là tài sản thuộc quyền sở hữu của công đoàn.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 18
Người vi phạm các quy định của Luật này, thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 19
Luật này thay thế Luật công đoàn ngày 5–11–1957.
Các quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Chủ tịch Quốc hội
Đã ký: Lê Quang Đạo



-----


HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ NHIỆM KỲ 2010 - 2012
*******

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ ngày 6.5.2009 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Căn cứ hướng dẫn số 01/LĐLĐ ngày 04/01/2010 của LĐLĐ huyện Cai Lậy về việc tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở .
Ban Thường vụ CĐGD Huyện Cai Lậy hướng dẫn cụ thể tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở trường học như sau:

I.- MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:
1- Đại hội công đoàn cơ sở trường học phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị của đoàn viên-lao động, nhằm tập hợp trí tuệ bàn bạc, quyết định những vấn đề thiết thực của đoàn viên và lao động trong đơn vị.
2- Kiểm điểm, đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn, làm rõ mặt làm được và chưa được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước, trên cơ sở đó quyết định những phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới.
3- Tập trung trí tuệ của công nhân viên chức, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực đề ra phương thức hoạt động phù hợp với thực tế tình hình cơ sở. Chú ý đến xây dựng các biện pháp chăm lo đời sống cho CNVC-LĐ, kiện toàn về tổ chức, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
4- Thực hiện dân chủ, bầu ra Ban chấp hành mới có tâm huyết, nhiệt tình, năng lực, uy tín, trình độ khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, có bản lĩnh đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên và lao động, đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của quần chúng lao động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2012.
5. Phương châm của Đại hội : “ Đổi mới, sáng tạo; vì quyền và lợi ích của người lao động, vì sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước ”.

II.- NỘI DUNG ĐẠI HỘI.
1.- Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội, thảo luận thông qua báo cáo của BCH nhiệm kỳ 2007 - 2010 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010 - 2012.  
2.- Bầu Ban chấp hành CĐCS nhiệm kỳ mới ( 2010 - 2012 ).

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý :
1. Về kiểm điểm hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua và thảo luận phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới :
a). Phần kiểm điểm hoạt động  hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua :
Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2007 - 2010 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Công đoàn cấp trên mà đánh giá đúng mức thực trạng phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ qua. Phân tích rõ những thành tích và khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đánh giá nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, mối quan hệ giữa công đoàn và chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ công đoàn.
 Đánh giá những ưu, khuyết điểm của BCH/CĐCS trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội của cấp mình cũng như thực hiện các Nghị quyết của Công đoàn cấp trên ( phần nầy thay cho Bản kiểm điểm của BCH trước đây đã làm ).

b). Phần phương hướng nhiệm vụ hoạt động công đoàn nhiệm kỳ tới :
Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, định hướng nhiệm vụ của Công đoàn cấp trên đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, đề ra các giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc của CNVC-LĐ trong ngành.

IV. BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH CĐCS:
1.- Tiêu chuẩn Ủy viên BCH công đoàn cơ sở
+ Nhiệt tình công tác công đoàn, trung thực thẳng thắn, đoàn kết tập hợp được cán bộ, đoàn viên và lao động; có ý thức chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Có sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ. Không cấu tạo vào Ban chấp hành các đồng chí không có điều kiện hoạt động.
+ Có năng lực tham gia xây dựng và tổ chức  thực hiện tốt các Nghị quyết  của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công đoàn, am hiểu sâu sắc những hoạt động của nhà trường. ( Chủ tịch công đoàn là người tiêu biểu của Ban chấp hành, do đó cần có trình độ chuyên môn tương xứng với cấp quản lý, có bản lĩnh và khả năng thuyết phục cao, đang hoặc đã kinh qua giảng dạy, quản lý giáo dục ),   .

2.- Cơ cấu và số lượng BCH:
a). Về cơ cấu :
+ Tiêu biểu cho các thành phần : cán bộ Đảng, cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhân viên phục vụ.
+ Đơn vị có nhiều nữ nên cơ cấu tỷ lệ nữ thích hợp trong BCH.
+ Nhân sự BCH cần đảm bảo cho sự phát triển và kế thừa, xu hướng trẻ hóa, ghạ thấp độ tuổi bình quân so với nhiệm kỳ qua.
+ Việc lựa chọn bầu BCH, Ban Thường vụ cần đảm bảo tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

b). Về số lượng :
Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn do Đại hội quyết định. Tuy nhiên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở không quá 15 ủy viên. Để  số lượng bầu vào BCH các CĐCS được cân đối, Ban Thường Vụ Công đoàn Giáo dục huyện gợi ý cớ cấu về số lượng như sau :

TỔNG SỐ CĐV HIỆN CÓ TẠI CƠ SỞ
SỐ LƯỢNG GIỚI THIỆU ỨNG CỬ, ĐỀ CỬ
SỐ ỦY VIÊN ĐƯỢC BẦU VÀO BCH CÔNG ĐOÀN
20 CĐV trở xuống
04 đồng chí
03 đồng chí
21 CĐV đến 30 CĐV
07 đồng chí
05 đồng chí
31 CĐV đến 50 CĐV
09 đồng chí
07 đồng chí
50 CĐV trở lên
11 đồng chí
09 đồng chí




LƯU Ý :
         * BCH Công đoàn có 3 người thì chỉ bầu 1 Chủ tịch ( không bầu Phó Chủ tịch ).
         * BCH Công đoàn có từ 4 người trở lên thì mới bầu thêm 1 Phó Chủ tịch .
         * BCH Công đoàn có 09 người mới bầu Ban Thường vụ.

V. BẦU ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN :
         Ủy Ban kiểm tra ( UBKT ) và Chủ nhiệm UBKT do BCH /CĐCS  bầu ra trong phiên họp BCH lần thứ nhất gồm có 1 số  UV.BCH và 1 số ngoài BCH theo nguyên tắc bỏ phiếu kín.

a). Tiêu chuẩn UV.UBKT :
         Vận dụng theo tiêu chuẩn của UV.BCH, ngoài ra UBKT cần có thêm các tiêu chuẩn sau :
           - Hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý tài chánh.
           - Có kinh  nghiệm làm công tác kiểm tra.
Không cơ cấu những CB, CĐV là Trưởng, Phó Ban tài chánh, chủ tài khoản, kế toán  tham gia UBKT.

b). Số lượng :
         Số lượng Ủy viên UBKT do BCH quyết định. Tuy nhiên, UBKT/CĐCS không quá 5 Ủy viên ( Điều 36 Chương V Điều lệ CĐVN ).
         CĐCS có dưới 30 CĐV thì không bầu Ủy Ban Kiểm tra công đoàn mà chỉ cử 1 ủy viên làm nhiệm vụ kiểm tra

VI.- CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI CĐCS.
1.- Công tác chuẩn bị:
- Ban chấp hành công đoàn phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc chuẩn bị nội dung Đại hội, nhất là phương hướng nhiệm vụ và chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho Đại hội.
- Phân công các thành viên BCH chuẩn bị từng nội dung công việc có liên quan tới việc tổ chức đại hội.
- Chuẩn bị đầy đủ các ấn phẩm phục vụ Đại hội như : văn kiện Đại hội, phiếu bầu, thùng phiếu, các mẫu biên bản, thẻ đeo..v.v ….
- Ban chấp hành các trường phải làm việc trực tiếp với Công đoàn Giáo dục huyện  về nội dung, chương trình và nhân sự trước khi  tổ chức Đại hội.
 LƯU ÝTrong quá trình chuẩn bị Đại hội  nhất thiết phải xin ý kiến của Chi bộ Đảng, chủ động phối hợp với Thủ trưởng chuyên môn trong việc chuẩn bị nội dung, cơ cấu nhân sự và thời gian tổ chức đại hội.

Hồ sơ nộp về CĐGD huyện gồm có :
± Báo cáo Tổng kết hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2007 - 2010 và Phương hướng nhiệm vụ công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2012.
± Danh sách giới thiệu ứng cử  và đề cử vào BCH công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2012 ( sau khi đã có sự thống nhất của Chi bộ và Thủ trưởng đơn vị ).
± Dự kiến ngày tổ chức Đại hội.
Công đoàn cơ sở chỉ tiến hành Đại hội khi được sự thống nhất của Công đoàn Giáo Dục .

2.- Tổ chức Đại hội.
- Trước khi Đại hội, tiến hành hội nghị Tổ Công đoàn để thảo luận lấy ý kiến đoàn viên về dự thảo báo cáo tổng kết, Phương hướng nhiệm vụ và nhân sự ứng cử vào BCH công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2012.
- CĐCS tổ chức Đại hội toàn thể Đoàn viên, thời gian Đại hội không quá 1 ngày.

LƯU Ý :
( Nếu báo cáo của BCH.CĐCS đã được thảo luận ở các tổ công đoàn thì khi đại hội có thể chỉ trình bày tóm tắt hoặc tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của CĐV để Đại hội thảo luận và quyết nghị từng vấn đề ).

         - Việc bầu cử BCH công đoàn cơ sở phải đảm bảo dân chủ, đúng nguyên tắc, đúng thủ tục.
         -  Danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử vào BCH cần có ý kiến đóng góp của Chi bộ và Lãnh đạo chuyên môn.

3. Một số vấn đề có liên quan đến Đại hội :
         ± Trang trí hội trường : ( xem hướng dẫn trên Website ).
         ± Các biểu mẫu phục vụ đại hội ( xem hướng dẫn trên Website ).


CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI

1. THỦ TỤC KHAI MẠC :
            1- Chào cờ
            2- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

2. NỘI DUNG :
            1- Bầu Đoàn Chủ tịch, Thư ký đoàn ( bằng biểu quyết giơ tay và phải được đa số đại biểu tán thành. Không bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu ).
            2- Mời Đoàn chủ tịch chủ trì Đại hội.
            3- Đọc diễn văn khai mạc Đại hội. ( báo cáo cụ thể số lượng đại biểu triệu tập, số đại biểu khách mời, số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội ).                       
           4- Thông qua chương trình Đại hội ( do 1 thành viên trong Đoàn Chủ tịch giới thiệu ).
           Đại hội chỉ tiến hành khi đủ số lượng quy định ( đạt 2/3 trở lên số đại biểu đã triệu tập về dự Đại hội ).
            5- Đọc báo cáo hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2007 - 2010 ( hoặc báo cáo tình hình thảo luận văn kiện, những ý kiến đóng góp, đề xuất của CĐV ).

LƯU  Ý :
         Trong báo cáo có lồng vào phần tổng kết hoạt động của UBKT, đánh giá ưu khuyết điểm của BCH trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội của cấp mình và thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên .

           6 - Trình bày Phương hướng nhiệm vụ công đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2012
           7- Đại hội thảo luận báo cáo, phương hướng của Công đoàn cơ sở. ( biểu quyết của Đại hội ).
           8 - Khen thưởng cuối nhiệm kỳ ( nếu có ).
           9 - Giới thiệu yêu cầu cơ cấu, tiêu chuẩn ứng cử, đề cử, số lượng BCH/CĐCS nhiệm kỳ mới.
         10- Thảo luận , biểu quyết số lượng, ứng cử, đề cử,
         11- Thông qua danh sách ứng cử, đề cử vào BCH/CĐCS ( biểu quyết của Đại hội ).
         12- Giới thiệu Ban Bầu cử ( biểu quyết của Đại hội ).
         13- Bầu Ban bầu cử sinh hoạt thể lệ bầu cử
         14- Tiến hành bầu cử BCH/CĐCS nhiệm kỳ mới.
( Trong lúc Ban bầu cử kiểm phiếu, để tranh thủ thời gian có thể mời đại biểu khách mời phát biểu hoặc văn nghệ phục vụ ).
16- Ban Bầu cử báo cáo kết qủa bầu cử BCH.
17-  Đoàn chủ tịch chỉ định 1 thành viên trong BCH mới làm triệu tập viên để triệu tập họp BCH lần thứ nhất.
17-  Ban chấp hành mới họp phiên thứ nhất để bầu các chức danh : Ban Thường vụ ( nếu BCH có 9 thành viên trở lên ), bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS, Ủy Ban kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra CĐCS ( nếu đơn vị có trên 30 CĐV ).

ĐẠI BIỂU NGHỈ GIẢI LAO

18- Công bố kết quả bầu cử  Ban Thường vụ ( nếu có ), Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy Ban kiểm tra CĐCS.
19- BCH mới ra mắt và hứa hẹn trước Đại hội.
20- Phát biểu của lãnh đạo Đảng, Công đoàn cấp trên.
21- Thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội ( sau khi thông qua phải xin ý kiến biểu quyết của Đại hội ).
22- Diễn văn bế mạc.
23- Chào cờ bế mạc Đại hội.

VII. CÔNG VIỆC SAU ĐẠI HỘI :
         1.  Điều hành công việc Công đoàn :
                    - BCH mới có trách nhiệm điều hành hoạt động công đoàn ngay sau khi được bầu cử và nhận bàn giao từ BCH nhiệm kỳ trước trong vòng 15 ngày kể từ ngày Đại hội.
                    - Ủy Ban kiểm tra tổ chức họp để bầu Phó Chủ nhiệm UBKT ( nếu UBKT có 5 UV trở lên ), xây dựng quy chế và kế hoạch làm việc.

         2. Hồ sơ nộp sau Đại hội :
         Sau Đại hội trong vòng  7 ngày, các CĐCS nộp về CĐGD huyện, gồm có :
                    - Biên bản Đại hội.
                    - Các biên bản kiểm phiếu bầu cử.
                    - Bản đề nghị công nhận BCH và UBKT công đoàn ( có kèm danh sách theo mẫu ).
                    - Nghị quyết Đại hội.

LƯU Ý :
         *  Mỗi loại nộp 1 bản, còn 1 bản lưu tại cơ sở.
         * Phiếu bầu cử sau khi kiểm phiếu xong, ban kiểm phiếu niêm phong và bàn giao BCH mới lưu vào hồ sơ đại hội.
         * Các loại biểu mẫu phải thực hiện đúng mẫu đã hướng dẫn ( trên Website của CĐGD huyện ).

VII.. KINH PHÍ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI :
1. Chi cho đại biểu :
          - Nước uống : 8.000 đ/1 đại biểu x số đại biểu chính thức + Đại biểu khách mời.
          - Cơm trưa : 40.000 đ/1 đại biểu chính thức + Đại biểu khách mời.

PHỤ CHÚ
         * Đại biểu chính thức  là CĐV được triệu tập về dự Đại hội.
         * Đại biểu khách mời gồm :
                        - 1 Đại biểu công đoàn cấp trên. ( nếu có )
                        - 1 Đại biểu Chi bộ Đảng. ( nếu có )
                        - Chủ tịch công đoàn các đơn vị cùng 1 xã. ( nếu có )
                        - 1 Ủy viên BCH phụ trách Cụm. ( nếu có )

2. Công việc phục vụ Đại hội :
          -  Trang trí hội trường + khẩu hiệu + thẻ đeo + các ấn phẩm  = 300.000 đ.  
    Trừ Trường Mầm Non 3/2 và Nhà trẻ 8/3, các đơn vị Mẫu giáo còn lại chi 200.000 đồng.

3. Quyết toán :
          Các CĐCS quyết toán kinh phí Đại hội vào mục chi hành chánh công đoàn. Hồ sơ quyết toán phải đính kèm đầy đủ chứng từ hợp lệ.

         Văn bản nầy thay thế hướng dẫn số 14/TC.CĐGD ngày 2/4/ 2007 của CĐGD huyện Cai Lậy.

Trên đây là một số yêu cầu, nội dung cơ bản trong tổ chức Đại hội Công đoàn cơ sở trường học. Ban Thường vụ CĐGD huyện Cai Lậy yêu cầu các CĐCS tổ chức thực hiện đúng điều lệ, đúng các văn bản hướng dẫn đại hội. Nếu có gì khó khăn, vướng mắc cần báo về Công đoàn Giáo dục huyện để hướng dẫn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này